Huyện Thuỷ Nguyên phát huy thiết thực hiệu quả Chỉ thị số 40

Huyện Thuỷ Nguyên phát huy thiết thực hiệu quả Chỉ thị số 40

Triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên đã phát huy hiệu quả thiết thực trong cuộc sống. Với sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, nguồn vốn tín dụng chính sách được tăng cường, khơi thông, giúp cho người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội từng bước vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.

Thực hiện Chỉ thị số 40, cấp ủy, chính quyền địa phương đã nhận thức rõ rệt hơn về vai trò, vị trí của tín dụng chính sách xã hội trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội của địa phương. Trên cơ sở đó, đã tạo điều kiện thuận lợi cho NHCSXH thực hiện tốt các nhiệm vụ. Mỗi xã bố trí 1 Điểm giao dịch để thực hiện giải ngân cho vay, thu nợ, thu lãi, huy động tiền gửi tiết kiệm… phục vụ các đối tượng ngay tại xã vào một ngày cố định trong tháng. Chính sự thuận lợi về phương thức vay vốn, lãi suất ưu đãi, đã khiến hoạt động tín dụng chính sách là điểm tựa cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống.

Có thể nói, Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư đã làm thay đổi một cách sâu sắc nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền đối với việc thực hiện tín dụng chính sách xã hội. UBND huyện hàng năm đã quan tâm hơn trong việc ưu tiên dành một phần nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn huyện. Đến ngày 31/3/2024, ntổng kế hoạch nguồn vốn đạt 686.244 triệu đồng, tăng 28.852 triệu đồng (tăng 4,3%) so với đầu năm 2014.

Nông dân xã Liên Khê thu hoạch dưa chuột bao tử

Thực hiện Chỉ thị số 40, thời gian qua, hoạt động tín dụng chính sách xã hội đã tác động tích cực đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; làm chuyển biến phương thức sản xuất của hộ nghèo, theo hướng hàng hóa; nâng cao chất lượng môi trường sống, vốn tín dụng chính sách xã hội đã góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước đề ra, tập trung phát triển nguồn nhân lực, giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị, an ninh, quốc phòng và phát triển kinh tế theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Các chương trình tín dụng ưu đãi do NHCSXH thực hiện cùng với các chính sách khác góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm xuống còn 0,54% cuối năm 2023.

Phương thức ủy thác một số nội dung công việc trong quy trình cho vay cho các tổ chức chính trị – xã hội thể hiện tính ưu việt riêng có của NHCSXH, mang lại hiệu quả  kinh tế, ý nghĩa chính xã hội to lớn, phát huy được vai trò của NHCSXH và các tổ chức chính trị – xã hội, đồng thời huy động được sức mạnh của cộng đồng và toàn xã hội để giúp người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Các tổ chức chính trị – xã hội chính là cầu nối giữa Nhà nước và Nhân dân thông qua việc tổ chức thành lập và chỉ đạo hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn tại cơ sở, từ đó cộng đồng người nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện tiếp cận nguồn vốn ưu đãi một cách dễ dàng.

Bên cạnh đó, các tổ chức chính trị – xã hội cùng với trưởng thôn trực tiếp tham gia vào việc bình xét cho vay, kiểm tra giám sát hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn và việc sử dụng vốn của hộ vay; đồng thời phối hợp với cơ quan chức năng hướng dẫn cách làm ăn, chuyển giao KHKT, áp dụng các chương trình khuyến nông, khuyến ngư vào sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế; từ đó, đồng vốn ngân hàng đầu tư mang lại hiệu quả, giúp hộ vay cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo. Thông qua phương thức ủy thác cho vay, đã tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức chính trị – xã hội thường xuyên tiếp xúc với hội viên, nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của hội viên, giúp hội viên phát triển kinh tế gia đình, chất lượng cuộc sống ngày được nâng lên; đồng thời tập hợp được đông đảo quần chúng nhân dân tham gia vào tổ chức hội, từ đó góp phần đưa tổ chức hội ngày càng phát triển vững mạnh.

Phát huy kết quả đạt được, để nâng cao hiệu quả thực hiện Chỉ thị số 40, thời gian tới, các cấp uỷ, chính quyền trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên cần tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho NHCSXH thực hiện tốt các nhiệm vụ. MTTQ, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và tổ chức chính trị – xã hội nhận ủy thác các cấp quan tâm phối hợp thực hiện các chương trình tín dụng chính sách; tích cực tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ về tín dụng chính sách xã hội; thường xuyên củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng, củng cố Tổ tiết kiệm và vay vốn, chỉ đạo, giám sát việc bình xét các đối tượng vay vốn, tích cực xử lý nợ đến hạn, tăng cường kiểm tra, giám sát, hướng dẫn người vay sử dụng vốn vay hiệu quả./.