Vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của UBND huyện, Trưởng Ban đại diện HĐQT NHCSXH đối với hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn huyện Thủy Nguyên
Chính sách tín dụng ưu đãi là một chính sách quan trọng của Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững. Sau nhiều năm thực hiện, tín dụng chính sách xã hội do NHCSXH triển khai đã góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, các mục tiêu, nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước đã đề ra. Kết quả đạt được trong triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn huyện trong những năm qua đã khẳng định sự phù hợp giữa chủ trương chính sách tín dụng ưu đãi của Đảng, Chính phủ với thực tiễn tình hình kinh tế – xã hội, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của đông đảo mọi tầng lớp Nhân dân, nhất là người nghèo và các đối tượng chính sách. Đây cũng là chính sách xây dựng được mối liên kết tốt giữa Nhà nước – thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) – với các tổ chức đoàn thể và người nghèo. Việc tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách có vai trò quan trọng bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới kiểu mẫu, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội theo định hướng từng thời kỳ của Huyện ủy, HĐND huyện. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần nâng cao mức thu nhập bình quân đầu người, giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện, đời sống của Nhân dân, nhất là người nghèo ngày càng được cải thiện.
Đến hết năm 2023, Tổng kế hoạch nguồn vốn hơn 662 tỷ đồng, tăng so với đầu năm là hơn 106 tỷ đồng, tỷ lệ tăng 19,2%. Tổng dư nợ đạt 655,6 tỷ đồng, tăng 19%. Tập trung đôn đốc thu hồi và xử lý tốt nợ đến hạn, nâng cao chất lượng hoạt động của Tổ Tiết kiệm và Vay vốn cũng như công tác cho vay và hiệu quả sử dụng vốn vay; đôn đốc thu hồi nợ quá hạn và lãi tồn đọng; phối hợp và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giao dịch xã. Dư nợ ủy thác qua các tổ chức Hội là hơn 642 tỷ đồng, thông qua 440 Tổ Tiết kiệm và Vay vốn với 18.485 hộ dư nợ. Bên cạnh đó, đã tập trung nguồn vốn để cho vay giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống với số tiền là hơn 225,3 tỷ đồng cho trên 6.500 khách hàng vay vốn. Vốn tín dụng chính sách đã góp phần hỗ trợ kịp thời vốn đầu tư sản xuất kinh doanh, tạo việc làm ổn định cho gần 2000 lao động, giúp trên 360 học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập; xây dựng mới và cải tạo được 4.800 công trình nước sạch và công trình vệ sinh môi trường ở khu vực nông thôn và giúp 1.121 các hộ là hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo có điều kiện tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội.
Để có được kết quả như trên, UBND huyện chỉ đạo Ban đại diện NHCSXH huyện, Phòng giao dịch NHCSXH huyện, UBND xã, thị trấn thực hiện củng cố nâng cao chất lượng hoạt động, chất lượng tín dụng. Chủ động đánh giá phân loại chất lượng hoạt động của Tổ TK&VV, củng cố kiện toàn tổ hoạt động trung bình, yếu kém; giám sát Hội đoàn thể cấp huyện, xã thực hiện đúng, đủ các nội dung nhận ủy thác với NHCSXH.
Trưởng Ban đại diện HĐQT NHCSXH chỉ đạo Phòng giao dịch NHCSXH phối hợp với các ban ngành trong huyện làm tốt công tác thông tin tuyên truyền về các chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước đến với người dân để người dân hiểu và thực hiện đúng, nhất là thực hiện tốt nghĩa vụ trả nợ của mình. Nguồn vốn tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác giải ngân qua NHCSXH đã thực sự trở thành một công cụ, giải pháp quan trọng giúp UBND huyện thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị và phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn huyện./.