Thương lắm miền Trung!

2 tuần qua, những con đường đã hóa thành sông, nước lũ trắng xóa, chẳng còn gì ngoài những nóc nhà, nước lũ đã nhấn chìm hàng ngàn ngôi làng tại các tỉnh miền Trung. Đồng bào miền Trung đang phải gồng mình vượt đau thương, họ đã kiệt sức. Tiếng nước lũ át tiếng người tuyệt vọng kêu cứu trên những nóc nhà. Nhiều gia đình vẫn còn mắc kẹt trong lũ. Giữa mênh mông nước dâng là những gương mặt hốc hác, lo lắng, là những giấc ngủ chập chờn, là những cơn đói, khát và rét. Lương thực, thực phẩm cạn kiệt, hoặc có tích trữ được cũng không có điện để đun nấu. Nhiều người phải ăn mì tôm còn sót lại và nhai gạo sống cầm hơi. Đó là thực trạng cuộc sống của hàng trăm ngàn hộ dân miền Trung những ngày mưa lũ.

Khúc ruột Miền Trung – Nơi luôn phải oằn mình ứng phó với thiên tai khắc nghiệt. Đã nắng thì nắng như thiêu như đốt, nắng nứt đất, cháy cây, nắng đến “khô” người. Còn đã mưa thì mưa cả ngày cả đêm, rét thấu xương thấu thịt. Mới chỉ cách đây 5 tháng, người dân miền Trung khổ sở vì không biết tìm đâu ra nguồn nước tưới, nước sinh hoạt giữa mùa hạn nặng, thì giờ đây, khi qua đợt hạn hán kéo dài, các tỉnh miền Trung lại phải gồng lên chống chọi với mưa lũ trên diện rộng. Nắng nóng, hạn hán khốc liệt hay mưa lũ trắng trời, mỗi năm, người dân miền Trung đều phải gánh chịu những thảm họa thời tiết. Đã biết bao trận lũ lớn, trận “đại hồng thủy” quét qua miền Trung, cuốn trôi tất cả, cả nhà, cả vật nuôi và cả người, tất cả chẳng còn lại gì, làng quê nghèo đã nghèo càng xơ xác.

Nhiều ngôi nhà mới được dựng lại từ mùa lũ trước thì giờ đây lũ lại chồng lũ, bão chồng bão, tất cả lại bị nhấm chìm trong biển nước. Nước lũ đã vắt kiệt sức người dân, trong cảnh “màn trời chiếu đất”, họ bất lực dầm mình chống chọi với thiên tai, hàng triệu đồng bào miền Trung đang tuyệt vọng kêu cứu.

 Lũ ngập đến nóc nhà đã không còn xa lạ với người dân miền Trung, nhưng lần này, nước lũ lên quá nhanh, người dân không kịp trở tay. Trong vòng 31 ngày (từ giữa tháng 9 đến nay), 8 tỉnh, thành phố miền Trung (từ Nghệ An đến Quảng Ngãi) đã liên tiếp chịu ảnh hưởng của 8 loại hình thiên tai, gây 2 đợt mưa lớn kéo dài. Lũ lớn đã vượt mức lịch sử năm 1979, 1999. Khu vực miền núi nhiều nơi bị sạt lở đất nghiêm trọng. Thời điểm cao nhất vào ngày 12/10 và 18/10 có 260.322 hộ bị ngập tại 6 tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Nam. tính đến 17h chiều 19/10, mưa lũ miền Trung đã làm 128 người chết, 26 người mất tích, thiệt hại kinh tế rất nặng nề. 16 tuyến Quốc lộ, 30.050m đường giao thông địa phương bị ngập, sạt lở, hư hỏng, trong đó có Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh và nhiều tuyến đường nội tỉnh. Hàng ngàn héc-ta lúa, hàng trăm nghìn héc-ta hoa màu bị ngập lụt, hư hại, hàng triệu gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi.

Đến thời điểm hiện tại, nước lũ vẫn dâng cao. Tại các vùng rốn lũ, nước ngập sâu, nhà chỉ còn nhìn thấy nóc. Nóc nhà trở thành nơi cao nhất để lánh nạn. Thế nhưng, sức người có hạn, với những người già, người bệnh, sản phụ hay trẻ nhỏ, họ không thể leo lên và mắc kẹt trong lũ. Người dân chỉ còn cách tháo mái ngói để giơ tay cầu cứu. Đấy là những ngôi nhà còn đứng vững, chưa ngập hết. Còn nhiều ngôi nhà nhỏ bị nước lũ cuốn phăng. Đồ đạc, vật dụng, số thóc lúa mới gặt, đàn trâu, bò mới chăm,… tất cả đều không còn lại gì. Mất điện, không có nước sạch sinh hoạt, thiếu lương thực, thuốc men, nhu yếu phẩm, hàng triệu học sinh phải nghỉ học, nhiều gia đình mất người thân, có gia đình cả 7 người đều bị thiên tai cướp đi tính mạng… Những người ở lại chỉ biết gào khóc, sự đau đớn đã lên đến tột cùng, những mất mát là quá lớn. Cảnh tang tóc trong biển lũ khiến ai cũng xót xa, những người đã chết họ cũng phải chịu thiệt thòi khi mà quan tài còn phải treo lên trần nhà giữa bốn bề là nước lũ. Trong biển nước, vẫn còn hàng ngàn người dân chưa được di dời phải đối mặt với thực tế khi mưa lũ có thể cướp đi tính mạng của họ bất cứ lúc nào. Những đứa trẻ mới sinh cũng phải chịu cảnh “sống chung với lũ”.

Hiện nay, khi thi thể của 13 cán bộ, chiến sĩ tử nạn trong khi làm nhiệm vụ cứu hộ công nhân thủy điện Rào Trăng 3 được tìm thấy và 22 thi thể cán bộ, chiến sĩ của Đoàn kinh tế quốc phòng 337 được đưa về, hơn 90 triệu con tim Việt Nam vẫn không hết bàng hoàng, đau xót. Mưa lũ, sạt lở đất đã cướp đi sinh mạng của nhiều người con ưu tú đang làm nhiệm vụ cứu trợ người dân vũng lũ. Thân thể các anh được tìm thấy dưới tầng đất đỏ lạnh căm. Tiếng khóc nghẹn, đau thương xé toạc trời mưa, nước lũ. Các anh đã không về, họ đã ngã xuống trong thời bình để tìm kiếm đồng bào ruột thịt, yêu thương, họ gửi gắm lại trách nhiệm ứng cứu người dân, khắc phục tổn thất do mưa lũ cho những người ở lại.

Vẫn còn rất nhiều người dân mất tích, chưa được tìm thấy, rất có thể họ đang nằm lại đâu đó dưới những lớp bùn đất đỏ quạnh hoặc giữa dòng nước trắng xóa kia. Những người dân chạy được lên khu vực tập trung tránh lũ, họ cũng không mang theo được gì cả. Cuộc sống bị đảo lộn, đã mấy đếm ròng người dân thức trắng. Chạy đua với lũ dữ, các Bộ, ngành, địa phương vẫn đang tiếp tục chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó, cứu hộ, cứu nạn. Những người lính, họ dằn lại nỗi lo lắng khi người thân của họ cũng đang hứng chịu thiệt hại do mưa lũ để hoàn thành trách nhiệm với Tổ quốc, với nhân dân, từng đoàn cứu hộ vẫn đang xé dòng nước lũ đi theo tiếng gọi của đồng bào. Tuy nhiên, công tác cứu hộ gặp rất nhiều khó khăn. Nước lên quá nhanh, nhiều nơi bị chia cắt, cô lập. Chính phủ đã tạm cấp từ dự phòng ngân sách Trung ương năm 2020 hỗ trợ các tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam và Hà Tĩnh mỗi tỉnh 100 tỷ đồng để thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn và an sinh xã hội theo chế độ, chính sách của nhà nước, 5000 tấn gạo dự trữ quốc gia được xuất hỗ trợ đồng bào miền Trung. Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã triển khai xuất cấp các thiết bị như xuồng cao tốc, phao cứu sinh phục vụ công tác cứu hộ.

Với tinh thần tương thân tương ái, để chia sẻ những mất mát, hy sinh lớn với đồng bào miền Trung, những ngày vừa qua, chung tay cùng chính quyền, các tổ chức, đơn vị, các đoàn từ thiện đều đang hướng về miền Trung ruột thịt. Tinh thần tương trợ được thể hiện bằng nhiều cách khác nhau và qua nhiều hành động ý nghĩa. Những nhu yếu phẩm như lương thực, nước uống, thuốc men, áo phao, xuồng hơi… được đưa đến với người dân vùng lũ. Cả hàng ngàn chiếc bánh chưng xanh được gói thâu đêm, hàng ngàn bữa cơm tình nghĩa cũng theo từng đoàn cứu trợ đến với miền Trung. Nghĩa tình đồng bào của hơn 90 triệu người dân khắp mọi miền Tổ quốc dồn về với miền Trung ruột thịt. Từng giây, từng phút, người dân cả nước dõi theo tình hình miền Trung qua các phương tiện truyền thông đại chúng, hàng trăm tỷ đồng đã được nhân dân quyên góp, mua các nhu yếu phẩm đưa đến người dân. Tất cả người dân Việt Nam lúc này, ai ai cũng mong mỏi được đóng góp một phần vật chất cho miền Trung lũ lụt, có em nhỏ nhịn tiền ăn sáng, dành 20 nghìn gửi về miền Trung, có cụ bà neo đơn 93 tuổi ủng hộ miền Trung thùng mì tôm cụ mua để dành…. Càng trong khó khăn, hoạn nạn, mới càng thấy được tình đồng bào, tinh thần đại đoàn kết dân tộc ngời sáng. Rất nhiều đoàn cứu trợ, họ mang theo hình ảnh cờ Tổ quốc trong tim, đã về với khúc ruột miền Trung.

Tuy nhiên, để những nhu yếu phẩm này đến tay người dân cũng không hề dễ dàng khi mà mưa vẫn tiếp diễn, nước chảy xiết, ở vùng rốn lũ, vùng thấp trũng, địa bàn ngập sâu, chia cắt, khó tiếp cận, lại thêm nguy cơ sạt lở đất và lũ quét. Tại các nơi bị ngập sâu – nơi cần được ưu tiên cấp phát lương thực, nước uống phải mất hàng giờ đi bằng thuyền hay cano mới có thể đến được nơi cần cứu trợ. Giữa nước lũ chòng chành, số thực phẩm mang theo được cũng không nhiều. Thực tế, đồ cứu trợ đưa đến người dân mới chỉ đáp ứng được 60%-70% nhu cầu. Bà con miền Trung vẫn đang rất cần sự giúp đỡ của người dân cả nước.

Trong khi đó, dự báo mưa lũ miền Trung trong những ngày tới diễn biến phức tạp, Bão số 8 đang tiếp tục di chuyển hướng về phía vùng biển và đất liền nước ta. Theo dự báo, bão còn tiếp tục mạnh thêm, có khả năng đổ bộ trực tiếp vào đất liền và gây mưa lớn tại các tỉnh Bắc và Trung Trung Bộ vào cuối tuần, khả năng mưa lớn lại xảy ra tại miền Trung trong những ngày tới, nguy cơ cao xảy ra lũ, lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt sâu trên diện rộng. Ngay lúc này, việc cứu hộ, cứu nạn, ứng phó với diễn biến thời tiết xấu, đồng thời có phương án khắc phục sau mưa lũ, ổn định đời sống người dân là hết sức cần thiết.

Mưa lũ dâng rồi cũng sẽ rút, thế nhưng, những vết tích đau thương sẽ vẫn còn đó, mất người, mất của, bao sự dành dụm, chắt chiu để lo cho cuộc sống, cho tương lai, lo cho con ăn học, chỉ một cơn bão là cuốn phăng. Khi tạm không phải đối diện với mưa lũ thì những người dân hiền lành lại phải đối diện với đói nghèo.

Phát huy truyền thống đoàn kết, “lá lành đùm lá rách”, truyền thống Thủy Nguyên quật khởi, anh hùng, trong nhiều mùa lũ trước, người dân Thủy Nguyên đã phát động nhiều đợt thiện nguyện, quyên góp, ủng hộ đồng bào vùng lũ. Nhiều đoàn cứu trợ của nhiều doanh nghiệp, cá nhân đã đi, tham gia đóng góp, ủng hộ người dân nơi gặp khó khăn và giúp đỡ những hộ nghèo, cận nghèo trên chính quê hương mình. Mới đây, hưởng ứng lời kêu gọi hỗ trợ xây sửa nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện Thủy Nguyên, từ tháng 10/2019 đến nay, với sự đóng góp của các tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm, gần 300 căn nhà đã được khánh thành và bàn giao cho các hộ khó khăn, hướng tới mục tiêu hết năm 2020, không còn hộ nghèo ở nhà tạm, dột nát trên địa bàn huyện.

Tiếp tục phát huy truyền thống tương thân tương ái đó, với tinh thần “nhường cơm sẻ áo”, “không để ai bị bỏ lại phía sau”, ngày 20/10, Uỷ ban MTTQ Việt Nam huyện Thuỷ Nguyên đã có Thư kêu gọi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, chiến sĩ, các đơn vị lực lượng vũ trang, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, doanh nhân, nhà hảo tâm cùng chung tay góp sức ủng hộ đồng bào miền Trung bị thiệt hại do bão lũ. Hơn lúc nào hết, ngay lúc này, đồng bào miền Trung đang rất cần sự chung tay giúp đỡ về cả vật chất và tinh thần của đồng bào cả nước, để những cơn đói, rét không còn, để người dân miền Trung có thể vực dậy, khắc phục hậu quả sau lũ. Mọi đóng góp dù là nhỏ nhất trong lúc khó khăn đều trở thành vô cùng đáng quý, đó không chỉ là hành động mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, phát huy truyền thống dân tộc mà còn là trách nhiệm công dân với Tổ quốc, với đồng bào yêu thương…