Cho vay người chấp hành xong án phạt tù tại NHCSXH: Một chính sách mới rất nhân văn

Cho vay người chấp hành xong án phạt tù tại NHCSXH huyện Thuỷ Nguyên: Một chính sách mới rất nhân văn

Với những mong ước bình thường, những người hoàn lương cũng có ước mơ về cuộc sống ổn định và một mái ấm bình yên sau những ngày tháng lầm lỡ. Song, hành trình hướng thiện của họ là những ngày đầy khó khăn khi đối mặt với định kiến xã hội và tìm kiếm việc làm không hề đơn giản. Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù đã mang lại cho họ điểm tựa vững chắc giúp người hoàn lương vươn lên tái hòa nhập cộng đồng, kiến tạo cuộc sống mới. Theo đó, hành trình tái hòa nhập cộng đồng và làm lại cuộc đời mới của những người lầm lỡ giờ không còn đơn độc nhờ có sự đồng hành, tiếp sức của chính sách tín dụng rất nhân văn của Chính phủ. s

Để tạo điều kiện cho những người chấp hành xong án phạt tù xóa bỏ mặc cảm, tái hòa nhập cộng đồng, tìm kiếm việc làm ổn định, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Thủy Nguyên đã phối hợp với Công an huyện tích cực triển khai chương trình cho vay vốn đối với những người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương. Nguồn vốn tín dụng chính sách với lãi suất ưu đãi đã giúp người từng lầm lỡ trở về có việc làm, thu nhập ổn định, mang lại hiệu quả tốt trong quá trình tái hòa nhập cộng đồng.

Nhiều người sau khi về với cộng đồng, gia đình đã hiểu biết hơn về pháp luật, nhận ra lỗi lầm của bản thân trong quá khứ, chuyên tâm làm ăn. Tuy nhiên nhiều người sau khi chấp hành xong án phạt và trở về địa phương phải đối mặt với nhiều rào cản, trở ngại như: tâm lý tự ti, mặc cảm, chịu sự kỳ thị, xa lánh, phân biệt đối xử của cộng đồng xã hội, đặc biệt là khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm, tạo kế sinh nhai nên việc dang tay đón họ tái hòa nhập cộng đồng, hỗ trợ sinh kế, tạo việc làm ổn định cuộc sống là việc làm có ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg 17/08/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù ra đời đã kịp thời giải quyết những khó khăn trên hành trình tái hòa nhập cộng đồng của rất nhiều người. Đây là một chính sách rất mới, rất nhân văn và rất có ý nghĩa đối với công tác bảo đảm an ninh trật tự và nhiệm vụ phát triển kinh tế, ổn định xã hội tại địa phương. Tạo điều kiện cho người chấp hành xong án phạt tù được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi từ NHCSXH để đầu tư sản xuất kinh doanh, tạo lập cuộc sống.

Xác định tầm quan trọng của chương trình tín dụng này, NHCSXH huyện Thủy Nguyên đã chủ động báo cáo và tham mưu cho Ủy ban nhân dân huyện, Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH huyện, phối hợp với Công an huyện chỉ đạo các cơ quan, ban ngành triển khai thực hiện. NHCSXH huyện Thủy Nguyên đã phối hợp cùng chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị – xã hội nhận ủy thác thực hiện tốt công tác tuyên truyền các chính sách tín dụng ưu đãi đến đối tượng thụ hưởng theo quy định, trong đó có đối tượng là người chấp hành xong hình phạt tù; phối hợp với UBND cấp xã, các tổ chức chính trị – xã hội nhận ủy thác, tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn tiếp tục rà soát danh sách các đối tượng thụ hưởng, các hộ có nhu cầu và đủ điều kiện vay, hướng dẫn lập thủ tục hồ sơ vay và giải ngân cho vay theo quy định.

Tính đến hết tháng 06/2024, NHCSXH huyện Thủy Nguyên đã giải ngân cho vay 57  người chấp hành xong án phạt tù với số tiền 4.950 triệu đồng.

Trong thời gian tới, để chính sách nhân văn này tiếp tục phát huy hiệu quả, NHCSXH huyện sẽ phối hợp chặt chẽ với Công An huyện, các cơ quan ban ngành, các tổ chức chính trị nhận ủy thác, UBND các xã rà soát đối tượng, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, tổng hợp nhu cầu vay vốn. Triển khai thực hiện tốt các quy trình, thủ tục cho vay, đảm bảo chặt chẽ, công khai, minh bạch, đúng đối tượng, đúng quy định, tạo điều kiện thuận lợi nhất để người chấp hành xong án phạt tù được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi. Đồng thời định hướng, hỗ trợ để người chấp hành xong án phạt tù chấp hành đúng cam kết khi vay vốn.

Có thể nhận thấy, chính sách tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù có ý nghĩa cả về kinh tế, chính trị và xã hội, tạo được sự đồng thuận cao của các các cấp, ngành, toàn xã hội và phù hợp với nguyện vọng của nhân dân. Qua đó, góp phần ngăn ngừa và hạn chế tình trạng tái phạm tội để giữ vững tình hình trật tự, an toàn xã hội đem lại cuộc sống bình yên trên địa bàn./.