Thủy Nguyên: Giảm nghèo từ các chương trình tín dụng chính sách
Với phương châm “Không để người nghèo và các đối tượng yếu thế bị bỏ lại phía sau”, thời gian qua, nguồn vốn từ các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn huyện Thủy Nguyên luôn được tăng cường, khơi thông và đến gần hơn với người dân, trở thành “cánh tay nối dài” của Đảng, Chính phủ, đem các nguồn lực tài chính của Nhà nước cho vay ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị, phát triển kinh tế – xã hội địa phương.
Thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng CSXH, UBND huyện Thủy Nguyên đã cụ thể hóa và ban hành các quy định, cơ chế, chính sách phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.
Theo đó, các ban, ngành, mặt trận, đoàn thể huyện và Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện làm nòng cốt tích cực tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật liên quan đến tín dụng CSXH, tăng cường mọi nguồn lực để hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo gắn với phong trào thi đua “Chung tay vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Đồng thời, huyện luôn quan tâm và bổ sung kịp thời nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng CSXH thực hiện chương trình tín dụng CSXH gắn với triển khai, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, giải quyết việc làm, góp phần phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương.
Để nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước chuyển tải kịp thời đến với hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác, đơn vị đã phối hợp với các địa phương rà soát kịp thời những hộ nghèo, cận nghèo có nhu cầu vay vốn để tạo điều kiện cho họ tiếp cận và sử dụng vốn vay nhanh chóng, hiệu quả. Thông qua các phiên giao dịch trực tiếp, cán bộ Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH đã thông tin, tuyên truyền đến người dân các gói vay phù hợp với điều kiện từng gia đình. Đồng thời hướng dẫn họ theo dõi các phương tiện thông tin để áp dụng, thực hiện các mô hình sinh kế phù hợp với điều kiện gia đình; tuyên truyền nâng cao nhận thức của người nghèo để họ không ỷ lại, trông chờ vào hỗ trợ của Nhà nước mà tích cực sản xuất – kinh doanh hiệu quả, thoát nghèo…
Có thể thấy, các chương trình tín dụng CSXH thời gian qua đã được lan tỏa, phủ rộng trên khắp địa bàn huyện, trở thành một trong những giải pháp căn cơ, trọng điểm để giúp giảm nghèo nhanh và bền vững. Các chương trình đã gần như phủ kín các chiều về giảm nghèo: Vay vốn để sản xuất – kinh doanh, vay vốn để đi học, đào tạo nghề; vay vốn để xây dựng công trình nước sạch, công trình vệ sinh; vay vốn để xây dựng nhà ở, góp phần làm thay đổi căn bản nhận thức của đối tượng thụ hưởng. Rất nhiều hộ không phải vay nặng lãi, tín dụng đen, sử dụng vốn đúng mục đích đã thoát nghèo với mức thu nhập ổn định, nâng dần mức sống.
Tính đến 30/9/2024, tổng nguồn vốn tín dụng của Ngân hàng CSXH huyện đạt trên 735,4 tỷ đồng, tăng hơn 78 tỷ đồng so với đầu năm. Tổng dư nợ đạt hơn 714,2 tỷ đồng, tỷ lệ tăng trưởng đạt 8,9%. Tập trung đôn đốc thu hồi và xử lý tốt nợ đến hạn; nâng cao chất lượng công tác cho vay và hiệu quả sử dụng vốn vay, nâng cao chất lượng hoạt động của Tổ Tiết kiệm và Vay vốn. Nợ quá hạn là 389 triệu đồng,giảm 69 triệu đồng so với năm 2023, chiếm tỷ lệ 0,05% trên tổng dư nợ. Dư nợ ủy thác qua các tổ chức hội là hơn 712,3 tỷ đồng, tăng hơn 67,2 tỷ đồng so với năm 2023, thông qua 440 tổ tiết kiệm và vay vốn với 19.599 hộ dư nợ. Từ nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh,ổn định cuộc sống với số tiền 176,6 tỷ đồng cho 5.160 khách hàng vay vốn.
Để tiếp tục hỗ trợ “cần câu” cho hộ nghèo thông qua nguồn vốn tín dụng chính sách, thời gian tới, huyện Thủy Nguyên tiếp tục tập trung huy động nguồn lực tài chính, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách; thực hiện hiệu quả, chất lượng các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn, đảm bảo vốn tín dụng chính sách được chuyển tải kịp thời đến đúng đối tượng thụ hưởng. Linh hoạt thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia và giải quyết các chương trình cấp thiết phát sinh, phù hợp với sự phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn.
Bên cạnh đó, chỉ đạo Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện cùng các đơn vị nhận ủy thác chú trọng phối hợp tuyên truyền, hướng dẫn các hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, kiểm tra, đôn đốc thu nợ, thu lãi đến hạn; ưu tiên cho các địa phương có tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao chưa được vay vốn, đặc biệt là địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời phối hợp lồng ghép hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách với các hoạt động khuyến công, khuyến nông, khuyến ngư, hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, giúp sử dụng vốn vay hiệu quả trở thành điểm tựa vững vàng cho người nghèo và các đối tượng chính sách vươn lên nâng cao thu nhập, ổn định kinh tế, thoát nghèo bền vững./.